HOÀN TRỌN ƠN GỌI ĐỜI TA TRONG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Tình yêu-sự sống trong con người không muốn an giấc, nó thúc dục con người đi tìm cái tận cùng của tình yêu, vì bản chất con người được tạo dựng bằng tình yêu và luôn mang trong mình hình ảnh sống của Chúa, “Đấng là Tình Yêu”. Con người luôn muốn yêu và được yêu và vinh quang của Chúa là được nhìn thấy con người sống trong tình yêu. Chính vì vậy mà Ngài đã cho chúng ta hiện hữu trong cuộc đời trần thế này, trao cho mỗi người ơn gọi khác nhau : ơn gọi làm người, ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi đời hôn nhân, ơn gọi sống giữa đời, ơn gọi đời thánh hiến….và Ngài khát khao chúng ta hoàn trọn tình yêu đời mình ở chính ơn gọi của ta với Lòng Thương Xót của Ngài trong thế giới đời tạm này.
Thế nhưng, tình yêu con người trong thế giới ngày hôm nay đang tan biến, mất dần cảm thức về lòng thương xót, “vô cảm” dần lên ngôi, xu hướng “tầm thường hóa tình yêu” đang lan tràn. Thậm chí, con người muốn chống lại và gạt bỏ khái niệm về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Điều này được minh nhiên ở giữa một thế giới gần như bị nhiễm nặng bởi những lối sống vô cảm, bởi sự khắc nghiệt nghèo nàn trong tình yêu nơi trái tim của con người. Vì thế, có một sự đau thương tột cùng của thế giới và con người ngày hôm nay chính là những cơn đói khủng khiếp vì thiếu lòng thương xót giữa con người với nhau. Vô cảm vẫn còn tồn tại khi con người vẫn còn quy hướng về bản thân, chọn phương thức sống cho mình, vì mình hoặc chỉ hướng đến sự vật trung gian. Sự vật trung gian có thể là những lợi ích vật chất, tinh thần, có thể là sắc đẹp, tài năng và cả đức độ. Như vậy, chỉ khi nào chúng ta biết vượt qua những sự vật trung gian, vượt qua tất cả những gì khác với bản thân và không còn để những thứ trung gian vây bọc cuộc đời mình, thì lúc đó mới có thể chạm được cõi lòng, nỗi đau của người khác. Lúc đó chúng ta mới thật sự sống “cho người”, “vì người” và “với người”. Chỉ khi nào xây dựng được mối tương quan nhân thân cụ thể thì mới có thể thoát ra khỏi thái độ “không để những khổ đau của người khác đụng chạm đến sự bình an, thanh thản trong lòng mình”, cách nào đó trạng thái này tự nó là vô cảm. Hơn hết, mối tương quan giữa người với người chỉ thật sự vững bền khi chúng ta biết tìm lại ý nghĩa của lòng nhân hậu, từ bi thương xót và nối kết nhau trong mối tình tay ba có sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi làm một công việc bái ái cho ai, đừng nghĩ rằng tôi đang ban phát hồng ân, ban phát tình yêu của tôi cho bạn, nhưng hãy nghĩ rằng tôi làm điều đó vì cả hai chúng ta đều đáng thương như nhau trước mặt Chúa.
Lòng thương xót đẹp biết bao!…Khi ta chiêm ngắm Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta. Và chúng ta cũng cần học và thương xót người khác.”
Ta càng cảm phục tấm lòng nhân hậu của Ngài hơn khi chiêm ngắm cách hành xử của Ngài trong cuộc thương khó cũng như sau khi Ngài đã phục sinh. Thử tưởng tượng lại những gì Ngài đã phải chịu đựng từ lúc bị bắt trong Vườn Dầu cho đến khi chịu chết trên thập giá, ta mới thấy Ngài thật phi thường làm sao. Từ những đòn roi và mũi đinh mà quân lính dành cho Ngài cho đến những lời sỉ nhục mà tất cả mọi tầng lớp trút lên Ngài, nỗi đau mà Ngài chịu đựng quả là không hề nhỏ. Ngay giữa tâm điểm của bao tủi nhục ấy, Ngài vẫn dành chút hơi còn sót lại để nói lên lời tha thứ, vì nơi Ngài chỉ có một lòng yêu mến và một sự cảm thông mà thôi.
Lòng thương xót có thể làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn và công bằng hơn nơi trái tim của người Thánh hiến. Theo gương Thầy Giêsu, họ dâng hiến cả cuộc đời để xoa dịu nỗi đau của con người thời đại như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô : “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Người Thánh Hiến mang trong mình một trái tim, lòng thương xót trong khi thi hành sứ vụ tông đồ. Để duy trì được điều đó, người tu sĩ, luôn nghiền ngẫm Lời, khám phá, và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của Thiên Chúa, đặc biệt Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho con người. Chỉ trong chiêm ngưỡng, người tu sĩ mới nhìn thấy vẻ đẹp huyền nhiệm của Lòng Thương Xót nơi Thiên Chúa qua những gì Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến với con người vì tình yêu, vì lòng thương xót dành cho con người. Nơi Đức Giêsu, những người bị đẩy ra bên ngoài xã hội, những bệnh nhân, những người đau khổ,… đều được Ngài nâng đỡ, ủi an, sẻ chia và giúp đỡ. Những gì Ngài làm không phải là sự chạnh thương, mà chính là Lòng Thương Xót, bài học tuyệt vời để người tu sĩ khám phá và học lấy trong sứ vụ tông đồ. Trong chiêm niệm, cầu nguyện, người tu sĩ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa đầy Lòng Thương Xót trên cuộc đời của chính mình và làm cho trái tim họ mở ra, trở nên nhạy cảm hơn với những nhu cầu của thời đại và con người. Đón nhận và trào ban, người Thánh Hiến làm cho Lòng Thương Xót lan tỏa và làm lành vết thương của con người trong xã hội đầy biến động hôm nay. Lòng thương xót trong sứ vụ thúc bách người tu sĩ làm nên một hành trình không ngơi nghỉ, dấn bước mạnh mẽ, quyết liệt hơn để lăn xả vào những hoạt động bảo vệ những từng người con của Chúa nơi Giáo Hội lữ hành này. Lòng thương xót cũng làm cho người tu sĩ phá tung những rào cản sợ hãi, đẩy tới cuộc dấn thân mới, ra đi đến với người khác bằng một trái tim khắc khoải của sẻ chia, không biết mỏi mệt
Mỗi cuộc đời là một hành trình lịch sử cứu độ tiệm tiến, từng bước đi tìm ý nghĩa đời mình trong kinh nghiệm cuộc sống thường nhật, hướng đến sự Siêu Việt để hoàn thiện bản thân, vì trong Ngài mới lộ ra ý nghĩa của đời mình. Chúa chọn gọi tôi sống đời Thánh hiến, bạn sống đời hôn nhân gia đình…. , dù sống trong bậc ơn gọi nào, Ngài cũng muốn chúng ta sống trọn kiếp người trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và nhất là dấn thân thật sự cho người nghèo. Càng sống cho và hết lòng với người nghèo, tôi càng họa lại rõ nét hình ảnh thật của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình và hoàn thành định mạng của đời mình trong khuôn mặt tỏa sáng của Đấng Phục Sinh đầy Lòng Thương Xót.